Trung Quốc thừa hóa chất nhựa
Mảng sản xuất hóa chất nhựa của ngành hóa dầu khổng lồ của Trung Quốc hiện chỉ hoạt động một nửa công suất do nhu cầu trong nước yếu ớt. Tuy nhiên, nỗ lực hạn chế mảng sản xuất này ngày càng trở nên khó hơn vì ngành công nghiệp hóa dầu của nước này vẫn tiếp tục phát triển.
“Sau thép và tấm pin mặt trời, tình trạng này cho thấy sự mất cân bằng về cấu trúc công nghiệp của Trung Quốc và đang gây tác động lan sang thị trường toàn cầu”, Charlie Vest, phó giám đốc của tổ chức tư vấn Rhodium Group (Mỹ), người chuyên nghiên cứu quan hệ Mỹ-Trung và ngành công nghiệp Trung Quốc nói.
Các nhà máy hóa dầu mọc lên như nấm dọc theo bờ biển phía đông của Trung Quốc trong thập niên qua. Những nhà máy này được xây dựng trong cuộc chạy đua nhằm thỏa mãn “cơn khát” nhựa của Trung Quốc. Đồng thời, mảng sản xuất hóa chất nhựa sẽ giúp các công ty tinh chế dầu thô phòng thủ trước sự suy giảm dự kiến của nhu cầu nhiên liệu vận tải khi thị trường xe điện phát triển.
Nguồn cung lớn và nhu cầu yếu ớt sau đại dịch Covid-19 khiến tỷ suất lợi nhuận của mảng hóa chất rất mỏng. Dù vậy, những công ty trong ngành vẫn tiếp tục sản xuất để giữ thị phần hiện có. Do đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung hóa chất trầm trọng.
Michal Meidan, giám đốc chương trình nghiên cứu năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford (Anh), cảnh báo tình trạng dư thừa công suất hóa chất ở Trung Quốc là rủi ro lớn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hóa chất ở phương Tây dường như đánh giá thấp rủi ro này.
Các nhà máy hóa dầu của Trung Quốc đang quản lý nguồn cung hóa chất bằng cách ngừng hoạt động sản xuất trong thời gian ngắn hoặc sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, khi công suất mới tiếp tục được bổ sung, những lãnh đạo ngành hóa dầu và nhà phân tích cho biết, tình trạng dư thừa sẽ tăng lên ở nhiều sản phẩm hóa chất. Điều này sẽ biến Trung Quốc thành nước xuất khẩu hóa chất đáng kể.
Các nhà sản xuất hóa chất của nước này sẽ bán nguồn các sản phẩm dư thừa trên thị trường toàn cầu với giá rẻ. Viễn cảnh đó có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại hiện tại giữa Trung Quốc với các nước khác, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu.
Cơn bùng nổ nhu cầu nhựa của Trung Quốc đã làm thay đổi ngành công nghiệp hóa dầu toàn cầu. Các công ty tư nhân và nhà máy lọc dầu nhà nước ở Trung Quốc vươn lên thống trị thị trường hóa chất vào thời điểm các đối thủ ở những nước khác đang hoạt động chậm lại.
Kelly Cui, nhà phân tích hóa dầu của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (WoodMac), cho biết các khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc cho công suất hóa chất từ năm 2020 đến năm 2027 sẽ định hình lại động lực nguồn cung toàn cầu. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất hóa chất mang tính cấu trúc ở châu Á và tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc âm kéo dài.
Công suất hóa chất nhựa vẫn liên tục tăng
Công suất hóa chất của Trung Quốc hiện ngang bằng với châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
WoodMac ước tính, gần 25% công suất ethylene toàn cầu có nguy cơ bị đóng cửa nhưng Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm. Ethylene nguyên liệu thô cho loại nhựa nguyên sinh được sử dụng rộng rãi nhất, polyetylene.
Từ năm 2019 đến cuối năm 2024, Trung Quốc xây dựng rất nhiều nhà máy để biến dầu thô và khí đốt thành các sản phẩm như propene và ethylene. Propene, sản phẩm quan trọng xếp thứ hai trong ngành công nghiệp hóa dầu sau ethylene, được sử dụng để sản xuất nhựa polypropylene (PP).
Nhu cầu toàn cầu về ethylene và propene dự báo sẽ tăng 29% từ năm 2023 lên 426,8 triệu tấn vào năm 2030 trong khi công suất dự kiến tăng 25% từ năm 2023 lên 485,9 triệu tấn vào cuối thập niên này. Theo IEA, công suất mới ở Trung Quốc chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng đó.
Công suất propene của Trung Quốc đặc biệt tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Điều này một phần là vì các nhà máy quy mô nhỏ không cần sự phê duyệt của Bắc Kinh như các nhà máy hóa dầu lớn. Tất cả các nhà máy này tìm cách đáp ứng nhu cầu nhựa PP, được sử dụng để sản xuất bao bì, phụ tùng ô tô và thiết bị điện.
Khi nguồn cung hóa chất nhựa dồi dào thì nhu cầu trong nước chững lại. Vấn đề hiện nay đối với các nhà sản xuất hóa chất của Trung Quốc là áp lực tài chính và duy trì thị phần đang tăng lên. Trong những năm qua, những nhà máy sản xuất propene ở Trung Quốc thường vận hành công suất ở mức 80-85%.
Theo Joey Zhou, nhà phân tích của Công ty dữ liệu ICIS, nguồn cung dồi dào đã buộc các nhà máy giảm công suất hiệu dụng xuống dưới 70% vào năm ngoái. Trong năm nay, công suất hiệu dụng có lúc xuống mức gần 50%.
Có ít nhất 9 nhà máy sản xuất propene mới dự kiến bắt đầu vận hành trong năm 2024 và 2025. Điều này có nghĩa là các nhà máy hóa chất hiện tại có thể phải kìm hãm tốc độ sản xuất hơn nữa, và phải tìm cách tăng doanh số bán ra nước ngoài để ứng phó với tình trạng dư thừa.
Châu Á và châu Âu sẽ là đích đến của hóa chất dư thừa
Theo WoodMac, trong năm 2023, sản lượng ethylene dư thừa ở Trung Quốc là 4,24 triệu trấn. Tình trạng dư cung propene thậm chí còn lớn hơn, ở mức 8,69 triệu tấn.
Các nhà phân tích của Energy Aspects cho biết, nguồn cung dư thừa này sẽ được xuất khẩu sang những nơi khác ở châu Á hoặc xa hơn ở châu Âu và Mỹ với mức chiết khấu cao.
Theo Energy Aspects, điều này gây thêm rủi ro suy giảm đối với công suất hiệu dụng ở các nhà máy sản xuất hóa chất ở phần còn lại của châu Á và châu Âu, vốn rất nhạy cảm với biên lợi nhuận bị ép chặt.
Động thái chuyển hướng sang thị trường nước ngoài của các nhà sản xuất hóa chất Trung Quốc có thể làm căng thẳng quan hệ thương mại với các nước láng giềng như Hàn Quốc, nơi cũng có ngành công nghiệp hóa dầu khổng lồ. Đồng thời sẽ làm dấy lên những cáo buộc từ Washington và Brussels cho rằng công suất công nghiệp quá mức của Trung Quốc gây tổn thương cho các nhà suất xuất nước ngoài.
Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu ròng nhựa PP kể từ tháng 3 năm nay. Các lô hàng của Trung Quốc được bán sang các nước Nam Á và Đông Nam Á như Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan, và tới tận Brazil.
Charlie Vest của Rhodium Group cho biết, Trung Quốc đã là nhà xuất khẩu ròng các sản phẩm nhựa polyester như PVC và PET, được sử dụng trong quần áo hoặc hộp đựng thực phẩm. Trung Quốc bán nhựa PVC và PET sang các nước như Nigeria, Việt Nam và Ấn Độ.
Các nhà sản xuất hóa chất ở Trung Quốc đang tổn thương vì cuộc chiến giành thị phần trong nước khốc liệt. Trong báo cáo tài chính quí đầu tiên, Sinopec, công ty hóa dầu lớn nhất châu Á, thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, cảnh báo, mảng kinh doanh hóa chất gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh với nguồn cung mới và sự phục hồi nhu cầu yếu ớt. Trong khi đó, Công ty hóa dầu Hengli Petrochemical báo cáo lợi nhuận giảm 76% trong quí 1 do chi phí vận hành cao và nhu cầu thấp.
Theo Bloomberg, Reuters